Ngôi làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum còn lưu giữ những nếp nhà sàn cổ hoang sơ, mộc mạc. Vùng đất này còn được mẹ thiên nhiên ban tặng các loại hoa rừng khoe hương sắc bốn mùa.

Vượt hơn 40km từ khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum, chúng tôi men theo con đường Tỉnh lộ 676 đến với ngôi làng Vi Rơ Ngheo. Ngôi làng chỉ vỏn vẹn hơn 60 nóc nhà với 300 nhân khẩu, tất cả đều là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Bao quanh làng là những cánh đồng ruộng bậc thang và dòng suối mát lạnh.

Ngôi làng nằm lọt thỏm trong một lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi Ngọc Ruông với nhiều ngọn núi cao, gắn với sự tích từ thuở lập làng. Bà con Xơ Đăng ở đây còn gìn giữ nhiều nét văn hóa mang bản sắc dân tộc, tính cộng đồng, sự đoàn kết, gắn kết trong buôn làng. 

Điều khiến ngôi làng nhỏ này trở nên đặc biệt là nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nếp nhà sàn cổ từ xa xưa, không có sự pha trộn của bê tông, cốt thép. Bên cạnh đó, bà con tận dụng cây gỗ lũa, gỗ mục trôi từ trên thượng nguồn về để dựng nên những chiếc cổng nhà đơn sơ, mộc mạc. 

Từ cổng vào đến nhà, hộ gia đình nào cũng sở hữu một vườn lan rừng tỏa sắc hương. Những cây lan rừng này đều được bà con hái từ những cây rừng bị ngã. Khi mùa mưa đến, bà con lại mang lên cổng trời Ngọc Ruông để trồng, trả lại cho rừng. 

Khi đặt chân đến đây, chúng tôi đã cảm nhận được sự hiếu khách của bà con Xơ Đăng. Người trong làng luôn ý thức cùng chung tay gìn giữ vệ sinh, trồng hoa khắp đường làng, ngõ xóm. Trâu bò được nuôi nhốt riêng biệt trên nương rẫy, không mang về làng nuôi để giữ vệ sinh. 

Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định công nhận làng Vi Rơ Ngheo là điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: du lịch văn hóa bản địa, sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng…

Khi đến với ngôi làng cổ Vi Rơ Ngheo, du khách được hòa vào cuộc sống đời thường của bà con Xơ Đăng. UBND huyện Kon Plông cũng chọn ra gần 20/60 căn rộng rãi, kiên cố để sửa chữa, nâng cấp thành những homestay phục vụ khách lưu trú.  

Bao quanh làng Vi Rơ Ngheo là dãy núi Ngọc Ruông với 4 ngọn núi hợp thành là: Ngọc Ruông, Nhong Năng, Ngọc Chăng, Văng I Nó. Đỉnh Ngọc Ruồng được xem là cổng trời với độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Đứng từ đây có thể chiêm ngưỡng toàn bộ dãy núi, trùng điệp, uốn lượn như thế rồng lượn, bao bọc lấy làng Vi Rơ Ngheo.

Khí hậu ẩm ướt, se lạnh tạo nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt, dãy núi Ngọc Ruồng còn sở hữu một kho báu với các loại hoa rừng như: địa lan, đỗ quyên, hoa sim, hoa mua… khoe sắc bốn mùa. Ngoài ra, còn có những cây thông 5 lá với tuổi đời hàng trăm năm, 2 - 3 người ôm không xuể, sừng sững trên đỉnh Ngọc Ruông.

A Kiểu (SN 1993, làng Vi Rơ Ngheo) là người bản Xơ Đăng nhưng từ khi sinh ra đã có mái tóc vàng và làn da đỏ. Hơn 30 năm nay, anh cùng người dân trong làng đã chung tay bảo vệ từng cây gỗ, cây lan trên cổng trời Ngọc Ruông.

"Từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, khắp dãy núi này phủ kín các loại hoa địa lan. Dân trong làng không dám nhổ lan vì sợ Yàng phạt. Nhiều du khách mê hoa lan và xin hái nhưng dân làng quả quyết không cho. Mỗi mùa mưa, người dân lại mang lan từ nhà lên rừng trồng nhằm nhân rộng các giống lan.", A Kiểu cho hay.

Đứng trên đỉnh Ngọc Ruông, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng được những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, lúc ẩn, lúc hiện sau những áng mây. Bên dưới là làng Vi Rơ Ngheo, tiếng trâu gọi đàn, rủ nhau cùng xuống núi trước khi chiều buông.

Vào thời điểm này, những cánh hoa địa lan đã tàn và nhường chỗ cho rừng hoa sim tím khoe sắc, nhuộm hồng cả cánh rừng.

Trên đỉnh Ngọc Ruông, người dân đã dựng một căn nhà sàn bằng tre, nứa, nằm chênh vênh bên mép núi để phục vụ cho các nghi lễ cúng quan trọng và cũng là chỗ nghỉ ngơi cho cả làng sau mỗi buổi lên rẫy.

Sau hơn 4 giờ đi bộ trong rừng, thăm làng cổ của người Xơ Đăng nơi đây, khi đôi chân đã mỏi, chúng tôi được thiên nhiên tặng thưởng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp khắp dãy núi Ngọc Ruông.

(Dân Trí)